logo Thegioihomecare.vn

10 Tác động cực nguy hiểm do tăng huyết áp

Đăng bởi Thảo vào lúc 05/05/2022

Cao huyết áp là căn bệnh khá phổ biến trong xã hội hiện đại, nhưng khi tuổi cao căn bệnh này lại càng phát triển. Những nguyên nhân dưới đây được giới y khoa xem là những lý do rất tiềm ẩn.

1. Vài nét về bệnh cao huyết áp

Cao huyết áp hay tăng huyết áp là căn bệnh mạn tính trong đó áp lực máu đo được ở động mạch tăng cao. Huyết áp thường được đo bằng hai chỉ số là huyết áp tâm thu (systolic) và huyết áp tâm trương (diastolic), dựa trên 2 giai đoạn co bóp và giãn nghỉ của cơ tim, tương ứng với áp lực cao nhất và áp lực thấp nhất của dòng máu trong động mạch. Đến nay, có nhiều chuẩn về khoảng bình thường của huyết áp. Huyết áp lúc nghỉ thông thường trong khoảng 100 - 140mmHg huyết áp tâm thu và 60 - 90mmHg huyết áp tâm trương, nếu trên ngưỡng 140/90mmHg được xem là mắc bệnh.

Cao huyết áp được phân thành hai dạng là tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát. Tăng nguyên phát chiếm 90 - 95% số ca mắc bệnh, tức không xác định được bệnh nguyên nhân, hay nguyên nhân không rõ ràng (vô căn). Khoảng 5 - 10% còn lại là tăng huyết áp thứ phát, có nguyên nhân cụ thể do một số bệnh tác động tới thận, động mạch, tim, và hệ nội tiết. Tăng huyết áp tạo áp lực cho tim, dẫn đến gia tăng bệnh tim mạch, yếu tố nguy cơ chính trong tai biến mạch máu não, suy tim, phình động mạch, bệnh thận mạn, và bệnh động mạch ngoại biên cùng nhiều hệ luỵ nan y khác.

2. 10 tác động cực nguy hiểm do tăng huyết áp

Bệnh tăng huyết áp hay huyết áp cao được coi là “kẻ giết người thầm lặng”, là một trong những căn bệnh nguy hiểm, có thời gian ủ bệnh kéo dài, nhưng lại gây nhiều hậu quả nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Bệnh diễn biến âm thầm, tiến triển kéo dài từ 15-20 năm mà người bệnh không biết. Tăng huyết áp thường không có biểu hiện gì cho đến khi người bệnh nhập viện mới biết mình bị bệnh. Đây là căn bệnh có yếu tố di truyền nhất định, những người có nguy cơ cao mắc bệnh là người béo phì hoặc cholesterol cao (mỡ máu).....

Dưới đây là những tác động của bệnh tăng huyết áp đối với sức khỏe của bạn:

Ảnh hưởng đến mạch máu

Khi bị bệnh tăng huyết áp, áp lực trong mạch máu bị tăng lên, theo thời gian nó sẽ làm mạch máu mất tính đàn hồi và trở nên xơ cứng động mạch. Do áp lực liên tục động mạch bị giãn, lớp nội mạc bị nứt, vỡ gây nên chứng phình động mạch rất nguy hiểm. Phình động mạch chủ nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể bị vỡ, gây chảy máu và dẫn đến tử vong.

Tăng huyết áp gây hại cho tim

Huyết áp tăng làm dày và hư hại niêm mạc các mạch máu của tim. Các mạch máu bị hư hỏng dễ hình thành của các cục máu đông từ đó ngăn chặn việc cung cấp máu cho tim. Điều này có thể làm giảm hiệu quả hoạt động của tim và cũng gây tổn hại các mô của tim dẫn đến chứng đau thắt ngực . Tăng huyết áp cũng làm tim phải hoạt động mạnh, làm cơ tim dày lên đặc biệt là tâm thất trái (phì đại tâm thất trái) làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của tim để bơm máu đến các cơ quan khác, điều này dễ dẫn đến suy tim, to tim.

Ảnh hưởng đến não

Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ xuất huyết não (đột quỵ) gấp 10 lần. Theo một nghiên cứu cho biết, ngay cả khi huyết áp hơi cao, bạn vẫn có nguy cơ bị đột quỵ. Thực tế đã chỉ ra huyết cao cao là nguyên nhân của 80% các cơn đau tim và đột quỵ. Tăng huyết áp làm suy yếu các mạch máu nhỏ trong não khiến chúng bị vỡ. Nếu bị gián đoạn lưu lượng máu đến não gây tình trạng thiếu máu não thoáng qua, hoa mắt, chóng mặt, nặng có thể làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ, mất trí nhớ , đứt mạch máu não dẫn đến bị liệt, xuất huyết não dễ dẫn đến hôn mê và tử vong....

Gây suy thận

Ngay cả thận của bạn cũng bị ảnh hưởng nếu bạn mắc bệnh tăng huyết áp. Đó là do các mạch máu trong thận bị tăng áp lực dẫn đến hư hại. Thận là một trong những bộ phận đóng vai trò giữ cho huyết áp của cơ thể được bình thường, nó điều tiết các chất dịch của cơ thể, muối... từ đó điều chỉnh huyết áp. Nhưng ngược lại bệnh tăng huyết áp lại gây hư hại các mạch máu trong thận làm quả thận mất chức năng lọc, làm hẹp động mạch thận, từ đó gây suy thận.

Gây bệnh về mắt

Tăng huyết áp còn gây bệnh lý về mắt như các bệnh lý võng mạc, thậm chí mù mắt. Vì khi tăng huyết áp, tất cả các mạch máu nuôi cơ thể đều bị ảnh hưởng, kể cả các mạch máu tới mắt. Đôi mắt của bạn có thể bị khô mắt, mờ mắt. Đó là do các mạch máu trong mắt bị thu hẹp do ảnh hưởng của tăng huyết áo làm tầm nhìn bị suy yếu dẫn đến bệnh lý võng mạc và cuối cùng người bệnh sẽ bị mù.

Rối loạn chức năng tình dục

Tất cả các biến chứng của tăng huyết áp chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân thành mạch máu bị dày lên, dẫn đến giảm lưu lượng máu đến các bộ phận khác của cơ thể. Các động mạch cung cấp máu tới dương vật cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nó sẽ làm giảm nguồn cung máu đến dương vật gây ra rối loạn chức năng cương dương - không có khả năng duy trì sự cương cứng trong khi quan hệ tình dục. Ở phụ nữ, huyết áp cao có thể làm giảm lưu lượng máu đến âm đạo, là nguyên nhân làm khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục.... Các loại thuốc điều trị cho bệnh nhân cao huyết áp lại có những tác dụng phụ như giảm ham muốn ở phụ nữ và khả năng cương cứng ở nam giới. Đối với những trường hợp này, nhiều người lựa chọn biện pháp giảm huyết áp nhờ thảo dược và thay đổi lối sống.

Ảnh hưởng đến thai kỳ

Phụ nữ bị huyết áp cao khi mang thai có thể làm giảm lưu lượng máu đến nhau thai từ đó làm giảm nồng độ ôxy và chất dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc thai nhi có thể tăng trưởng chậm, làm cân nặng khi sinh của bé thấp. Nguy hiểm nhất đối với người cao huyết áp khi mang thai là hội chứng tiền sản giật, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng cho người mẹ và em bé khi sinh. Theo một nghiên cứu, huyết áp cao khi mang thai có thể làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ tới 40 %.

Gây chứng chuột rút (bệnh động mạch ngoại biên)

Nếu không điều trị cao huyết áp liên tục có thể ảnh hưởng đến các mạch máu ở tứ chi của bạn quá. Nó có thể thu hẹp và làm cứng các mạch máu của chân dẫn đến một bệnh lý gọi là bệnh động mạch ngoại biên (PAD). PAD có thể ảnh hưởng đến việc lưu thông máu ở chân và gây ra chứng chuột rút rất đau đớn.

Tăng huyết áp ảnh hưởng đến giấc ngủ

Tăng huyết áp và giấc ngủ có mối liên hệ qua lại với nhau. Theo nghiên cứu, những người có huyết áp cao có nhiều khả năng bị ngưng thở khi ngủ (OSA), đó là khi hơi thở ngắt quãng trong khi ngủ dẫn đến giấc ngủ bị gián đoạn và trở nên mệt mỏi vào sáng hôm sau. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng nếu bị ngưng thở khi ngủ nghiêm trọng góp phần làm tăng nặng bệnh huyết áp kể cả khi người bệnh dùng thuốc chống tăng huyết áp.

Có thể gây mất xương

Huyết áp tăng có thể gây ra các bất thường về chuyển hóa canxi. Theo các nghiên cứu, huyết áp cao làm tăng đào thải canxi của cơ thể, đặc biệt là ở phụ nữ lớn tuổi. Mất canxi kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng mẩt xương hoặc gãy xương do loãng xương.

 

3. Làm thế nào để biết mình bị cao huyết áp

Bệnh cao huyết áp thường không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng. Do đó, cách duy nhất để bạn biết mình có bị cao huyết áp hay không là dựa vào phép đo huyết áp. Bạn có thể đến các cơ sở y tế để được tiến hành đo huyết áp và chẩn đoán xác định bệnh cao huyết áp.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể cho bạn thực hiện một số xét nghiệm dưới đây để xác định các nguyên nhân thứ phát có thể gây ra tình trạng tăng huyết áp của bạn cũng như đánh giá các tổn thương cơ quan đích và nguy cơ tim mạch hiện tại:

  • Xét nghiệm nước tiểu.
  • Kiểm tra cholesterol và một số xét nghiệm máu khác.
  • Điện tâm đồ.
  • Siêu âm tim hoặc thận.

Theo WHO, bạn sẽ được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp khi chỉ số trung bình qua ít nhất hai lần đo của huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) từ 140 mmHg trở lên và/hoặc chỉ số trung bình của huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) từ 90 mmHg trở lên, trong ít nhất hai lần thăm khám

ĐO HUYẾT ÁP ĐÚNG CÁCH NHƯ THẾ NÀO?

  • Ngồi nghỉ 15 phút trước khi đo. 
  • Không hút thuốc lá, uống cafe 2 giờ trước khi đo.
  • Tư thế đo: nằm trên giường hoặc ngồi dựa lưng vào ghế, hai chân chạm sàn nhà, không bắt chéo chân, tay duỗi thẳng, đặt ngang tim, giữ im lặng trong lúc đo.
  • Lần đầu tiên đo huyết áp cả hai tay, tay có mức huyết áp cao hơn được chọn để đo và theo dõi huyết áp những lần sau.
  • Mỗi lần đo 2 lượt, cùng một tay, mỗi lượt đo cách nhau 2 phút. Nếu huyết áp tâm thu ở 2 lần đo khác biệt > 10 mmHg, đo thêm lần thứ 3 sau 2 phút nữa. Lấy huyết áp trung bình của 2 lần đo gần nhất.
  • Dùng máy đo tự động, loại có băng quấn cánh tay có kích thước phù hợp.

Người bệnh có thể đo huyết áp buổi sáng hoặc buổi chiều, hoặc khi có triệu chứng gợi ý tăng huyết áp kể trên.

Nguồn tham khảo: Vientimmach.vn

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Giỏ hàng( Sản phẩm)

avatar
Xin chào
close nav
Tất cả danh mục